Xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi nền kinh tế từng quốc gia, khu vực và thế giới; Ngành thương mại quốc tế cũng là một trong những ngành chịu tác động từ xu thế này. Hiện nay, khái niệm quốc gia, dân tộc chỉ còn nằm về mặt địa lý, còn về kinh tế đều là “kinh tế phẳng”. Chính vì vậy nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành kinh doanh quốc tế rộng mở với sinh viên các trường đại học ở TP-Hồ Chí Minh nếu các bạn đáp ứng đòi hỏi khắt khe về năng lực làm việc và tính quốc tế hóa.
Nhiều lựa chọn về việc làm
Kinh doanh quốc tế là tập hợp nhiều hoạt động thương mại giữa các tập đoàn xuyên quốc gia, tổ chức kinh tế, giữa quốc gia này với quốc gia khác để đạt được mục tiêu kinh doanh. Sinh viên học ngành thương mại quốc tế được đào tạo bài bản tầm vĩ mô, vi mô về kinh tế toàn cầu, mô hình kinh tế quốc gia, hoạt động thương mại cụ thể vài nền kinh tế nổi bật, kiến thức quản trị kinh doanh, chiến thuật, chiến lược kinh doanh, tâm lý học, quản lý rủi ro,…
Thêm vào đó sinh viên được trang bị kiến thức chuyên ngành kinh doanh quốc tế như vận tải thương mại, bảo hiểm ngoại thương, kỹ năng đàm phán, văn hóa kinh doanh-thương lượng của từng nước, tranh chấp thương mại quốc tế, phân tích đối thủ, kỹ năng diễn thuyết, phương thức xâm nhập thị trường nước ngoài, kỹ năng giải quyết xung đột, thanh toán quốc tế, luật kinh doanh quốc tế, tình huống kinh doanh và phương án xử lý với từng tình huống,… là những môn học quan trọng để sau khi tốt nghiệp sinh viên tự tin tìm việc làm và có đủ kiến thức, bản lĩnh nhằm cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực.
Học kinh doanh quốc tế nhu cầu việc làm thị trường lao động trong nước, khu vực Đông Nam Á còn rất lớn. Cụ thể, ứng viên có thể làm chuyên viên xuất nhập khẩu, quản trị tài chính quốc tế, phiên dịch viên phụ trách thương mại quốc tế, trợ lý phòng xuất nhập khẩu, chuyên viên kinh doanh, đại diện văn phòng thương mại, chuyên viên Sở Công thương tỉnh(thành phố), nhân viên công ty vận tải tàu biển, chuyên viên nghiên cứu thị trường, nhân viên bảo hiểm quốc tế, nhân viên tư vấn du học,…Trải qua thời gian cống hiến, trau dồi kiến thức bạn có cơ hội thăng tiến thành nhà quản lý xuất nhập khẩu, lãnh đạo công ty nước ngoài, thành lập công ty xuất nhập khẩu, giảng viên đại học ngành quản trị kinh doanh quốc tế,…
Ngoại ngữ – kỹ năng giữ vai trò quyết định
Trong thế kỷ 21, người không giao tiếp được tiếng Anh bị xem như người “mù chữ” và đối với sinh viên ngành thương mại quốc tế, ngành xuất nhập khẩu đòi hỏi trình độ tiếng Anh phải điêu luyện tương tự tiếng mẹ đẻ thì mới tăng khả năng cạnh tranh với người lao động đến từ Thái Lan, Philippin, Malaysia,… Những nước mà nhân lực có trình độ tiếng Anh giỏi.
Số liệu từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm ở Việt Nam chiếm 40% tập trung vào nhóm ngành markerting – vận tải – xuất nhập khẩu – quản trị – kinh tế tổng hợp.
Một sinh viên sau khi ra trường cần giỏi tiếng Anh chuyên ngành thương mại và tiếng Anh giao tiếp. Ngoài ra các bạn bắt buộc phải nắm vững kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm, thái độ lao động; ba yếu tố này chính là khái niệm “năng lực” mà mọi tập đoàn hàng đầu thế giới đều mong muốn nhân viên doanh nghiệp mình phải có.
Nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay vẫn giảng dạy chương trình bằng tiếng Việt chưa tạo được phản xạ giao tiếp cho sinh viên, giáo trình giảng dạy chậm đổi mới, chưa chuẩn hóa theo giáo trình quốc tế, công tác giảng dạy nặng về lý thuyết, đội ngũ giảng viên nhà trường thiếu kinh nghiệm thực tế,… Dẫn đến chất lượng đào tạo nhân lực ngành thương mại chưa đáp ứng đòi hỏi nhà tuyển dụng, nên khi doanh nghiệp tuyển vào phải tốn chi phí-thời gian đào tạo lại để nhân viên có thể bắt đầu làm việc. Một “căn bệnh” chung của người lao động nước ta là tính dễ thỏa mãn, thiếu ý chí, thiếu tính chuyên nghiệp, ý thức kỷ luật kém,…